Các khái niệm về Thiên Chúa Thiên_Chúa

Đức Chúa Cha, tranh vẽ khoảng năm 1510-17.

Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo

Ba tôn giáo này tin rằng Thiên Chúa là đấng tự hữu, hằng hữu, là đấng tạo hóa và đấng tể trị toàn thể vũ trụ. Theo quan điểm này, những thuộc tính của Thiên Chúa là thánh khiết (tinh tuyền và tách biệt khỏi tội lỗi), công chính (công bình, ngay thẳng và chân thật trong mọi đoán xét), tể trị (không gì cản trở được ý chí của Chúa), toàn năng (không gì mà Chúa không thể làm được), toàn tri (không gì mà Chúa không biết), yêu thương, và hiện diện khắp mọi nơi.

Tranh vẽ Đức Chúa Cha ở trường học Ý thế kỷ 16

Quan điểm này miêu tả Thiên Chúa là vô hình và hữu hình, có thân vị, Ngài là nguồn của mọi nghĩa vụ đạo đức, và là thực thể tối cao con người có thể nhận biết được.[3] Trong các mức độ khác nhau, những thuộc tính này được trình bày bởi các học giả tiên khởi của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo (Kitô giáo) và Hồi giáo, trong đó có Augustine,[4] Al-Ghazali,[5]Maimonides.[4]

Theo giáo lý của hầu hết các giáo hội thuộc cộng đồng Cơ Đốc giáo,[6][7] Thiên Chúa là duy nhất, hiện hữu trong ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa ConChúa Thánh Thần (Chúa Thánh Linh).

Kinh Thánh

Kinh Thánh Hêbrơ của Do Thái giáo cũng là Cựu Ước của Cơ Đốc giáo miêu tả Thiên Chúa theo các thuộc tính sau: "Chúa là Thiên Chúa nhân từ, thương xót, chậm giận dư dật ân huệ và thành thực, giữ lòng đến ngàn đời, tha thứ điều gian ác, sự vi phạm và tội lỗi, nhưng không kể kẻ có tội là vô tội, và nhân tội tổ phụ phạt đến con cháu trải ba bốn đời" (Exodus 34. 6-7).

Thiên Chúa là Đấng Tạo hóa

Chương đầu tiên của Kinh Thánh được dùng để ký thuật công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ.[8] Ngoài ngài không có sự hiện hữu. Thiên Chúa tạo nên mọi vật,[9] nhưng chỉ có ngài là đấng tự hữu.[10] Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ ex nihilo, từ sự vô hình và trống không.[11] Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa dựng nên con người, và ban cho họ quyền cai quản mọi loài trên đất.[12]Kinh Thánh cũng miêu tả các thuộc tính của Thiên Chúa như toàn năng và toàn tri.

Cựu Ước thường nhắc đến danh hiệu Chúa toàn năng, và giải thích "không có điều gì khó quá cho Ngài." (Sáng 18: 14). Bởi vì Thiên Chúa là đấng tạo hóa, không có điều gì vượt quá năng lực của ngài, cũng không ai có đủ quyền năng để ngăn cản công việc tay ngài làm.[13]

Hai thuộc tính toàn năng và toàn tri[14] của Thiên Chúa, theo miêu tả của Kinh Thánh, liên quan mật thiết với nhau và là một phần trong quyền năng sáng tạo và bảo tồn vũ trụ.[15] Khi tỏ cho các môn đồ biết về sự quan phòng của Thiên Chúa, Giê-xu nói, "Ngay cả tóc trên đầu các con cũng được đếm hết rồi." (Matt. 10: 30). Một chỗ khác trong Tân Ước khẳng định thuộc tính này của Thiên Chúa, "Chẳng có loài thọ tạo nào có thể che giấu được trước mặt Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng mà chúng ta phải khai trình." (Hêbrơ 4: 13).

Thiên Chúa là Đấng Cứu rỗi

Trong Kinh Thánh, công cuộc sáng tạo và cứu rỗi liên quan mật thiết với nhau. Thiên Chúa dựng nên con người, yêu thương họ, và muốn ban cho họ sự sống đời đời. Theo Kinh Thánh, chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa xuất phát từ tình yêu của ngài,[16] Sứ đồ Gioan đã miêu tả "Thiên Chúa là tình yêu thương." (1 Gioan 4:8). Khi loài người bất tuân, sa ngã, và phạm tội, họ đã xúc phạm đức công chính của Thiên Chúa, và bị đặt dưới cơn thịnh nộ và sự đoán phạt của ngài. Vì Thiên Chúa là công chính, sự cứu rỗi phải thỏa mãn sự công bình của luật pháp. Sự chết của Chúa Giê-su trên cây thập tự để đền tội thay cho loài người, theo Kinh Thánh, là giải pháp trọn vẹn có thể đáp ứng cả tình yêu thương và đức công chính của Thiên Chúa.[15]

Tuy nhiên Kinh Thánh không miêu tả Thiên Chúa một cách có hệ thống, lại cung cấp những hình ảnh thi vị về mối tương giao giữa Chúa và con người. Theo nhà thánh kinh sử học Yehezkal Kaufmann, phát kiến nền tảng của môn thần học Kinh Thánh là trình bày một Thiên Chúa không chỉ quan tâm đến con người mà còn muốn biết con người có quan tâm đến Chúa hay không. Hầu hết đều tin rằng Kinh Thánh nên được xem là quan điểm của con người về Thiên Chúa, song nhà thần học Abraham Joshua Heschel miêu tả Thiên Chúa trong Kinh Thánh theo quan điểm anthropopathic, theo đó Kinh Thánh nên được đọc theo quan điểm của Thiên Chúa về con người chứ không phải quan điểm của con người về Thiên Chúa.

Tương tự, Tân Ước không cung cấp một nền thần học có hệ thống về Thiên Chúa, nhưng là một nền thần học tiềm ẩn khi dạy rằng Thiên Chúa trở thành người trong thân vị của Chúa Giê-xu trong khi vẫn là Thiên Chúa cách trọn vẹn. Trong ý nghĩa này, Thiên Chúa trở nên một thực thể có thể nhìn thấy và chạm đến được, có thể phán dạy và hành động theo một cung cách mà con người dễ dàng cảm nhận trong khi vẫn duy trì phẩm cách siêu nhiên và vô hình của Chúa. Các khái niệm này là những bước triệt để tách rời khỏi các khái niệm về Thiên Chúa được tìm thấy trong Kinh thánh Hêbrơ, dẫn đến việc xác lập học thuyết Ba Ngôi.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thiên_Chúa http://www.islam-info.ch/en/Who_is_Allah.htm http://www.aish.com/literacy/concepts/Understandin... http://www.allaboutgod.com http://www.spirithome.com/defchurt.html#attrib http://www.studentsofshariah.com/proof_of_creator.... http://www.thegodtheory.com http://plato.stanford.edu/entries/god-necessary-be... http://plato.stanford.edu/entries/moral-arguments-... http://www.dd-b.net/~raphael/jain-list/msg01332.ht... http://web.archive.org/web/20041013082021/http://w...